Khoa Học & Đời Sống
Câu chuyện dạy con cách ứng xử khi bị nói xấu
Thu Ngân(SKGĐ)

(SKGĐ) Câu chuyện nhẹ nhàng dưới đây vừa thích hợp để kể cho con trước giờ đi ngủ, lại dễ lồng vào những lời dạy của cha mẹ cho con.


Ảnh minh họa

“Vào một buổi sáng, lúc xe buýt đến trạm dừng, có một cậu bé trên người rất bẩn, đeo một chiếc túi trên lưng đi theo một người đàn ông bước lên xe, xe buýt vào buổi sáng thường đông chật cứng người. Nhìn bộ dạng có vẻ như họ là công nhân xây dựng, vừa lúc có một người xuống xe, cậu bé liền ngồi vào chỗ đó còn người đàn ông thì đứng ở bên cạnh.

Không lâu sau, có một phụ nữ mang thai bước lên xe, cậu bé đứng dậy nhường chỗ và nói: “Cô ơi, cô ngồi xuống đi ạ!”.

Người phụ nữ mang thai nhìn liếc qua cậu bé bẩn thỉu mà không nói lời nào, cậu bé nhẹ nhàng đặt chiếc túi xuống đất, rồi từ trong túi lấy ra một chiếc khăn tay và lau qua lau lại chỗ mình đã ngồi, sau đó mỉm cười nói: “Cô ơi, con lau sạch sẽ rồi, không còn bẩn nữa đâu”. Người phụ nữ nhìn cậu bé chằm chằm rồi đỏ mặt ngồi xuống.

Cậu bé vừa cầm cái túi lên thì đột nhiên chiếc xe phanh gấp, thân hình gầy gò của cậu suýt bổ nhào về phía trước nhưng tay vẫn ôm chặt chiếc túi ở trước ngực.

Một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cạnh âu yếm nói: “Con thật là một cậu bé ngoan!”

Cậu bé cười một cách ngây thơ rồi nói: “Bà ơi, con không phải là đứa trẻ ngoan lắm đâu, mẹ con luôn mắng con vì lúc nào cũng để ý đến người ta nói gì, nghĩ gì về mình. Nhưng hiện giờ thì con đã dũng cảm như Forrest Gump rồi!”. Người phụ nữ mang thai ngồi trên ghế cúi mặt xuống.

Người phụ nữ lớn tuổi kinh ngạc hỏi: “Con cũng biết Forrest Gump sao?”

“Vâng ạ, mẹ thường đọc cho con nghe”.

“Đọc “Forrest Gump” con học được những gì?”, người phụ nữ hỏi.

Cậu bé nói rằng: “Điều con học được là, đừng quan tâm đến ánh mắt của người khác, hãy sống thật tốt và đi theo con đường riêng của mình, vì mỗi người là duy nhất, là riêng biệt, họ giống như đủ loại sôcôla vậy…”

“Mẹ con làm gì?”

“Mẹ con trước đây là giáo viên ở trong làng”.

“Thế còn bây giờ thì sao?”

Cậu bé đỏ hoe đôi mắt nói: “Mẹ con đang ở trong cái túi này!”

Người phụ nữ lặng người, ai ai trên xe buýt cũng vậy. Rồi người đàn ông đứng bên cạnh lên tiếng kể hoàn cảnh của cậu bé:

“Tôi là chú của thằng bé này, bố của nó mấy năm trước vì bị bệnh mà chết, mẹ nó một mình nuôi con, chị ấy là một giáo viên ở trong làng tôi, rất được mọi người tôn trọng. Vì muốn con có cuộc sống tốt hơn nên đã tranh thủ dịp nghỉ hè đưa thằng bé lên thành phố làm thuê cho công trường xây dựng dự tính đến ngày khai giảng thì sẽ trở về, không ngờ cuối cùng một ngày đang đi làm, thì bị sắt rơi trúng vào người ….trong chiếc túi mà thằng bé mang là tro cốt của mẹ nó…”

Người phụ nữ lớn tuổi nước mắt trào ra: “Con có còn đọc sách không?”

Cậu bé nói: “Con mỗi ngày đều đến hiệu sách bên cạnh công trường để đọc sách”.

Rất nhiều người trên xe đều nói trong nhà mình còn nhiều sách và muốn tặng lại cho cậu bé, cậu bé nở nụ cười…”

Ở một vài khía cạnh nào đó, cha mẹ nên dạy con một cách sống “đừng quan tâm đến ánh mắt của người khác, ... và đi theo con đường riêng của mình”.

Đặc trưng của xã hội phương Đông là tính cố kết cộng đồng cao, vô tình làm cho con người mờ đi những nét tính cách cá nhân của mỗi con người. Trong khi đó, câu chuyện lại hướng tâm điểm chú ý vào chính bản thân mỗi con người. Nó dạy trẻ biết trân trọng chính con người mình, cho dù bản thân như thế nào đi chăng nữa. Những nhận xét từ người ngoài chỉ nên xem là một lời khuyên, đánh giá khách quan. Cậu bé trong câu chuyện đã không vì sự dè bỉu của người phụ nữ mà lấy làm bực mình về sự nghèo khổ của bản thân.

Không những thế, dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, mất cả cha lẫn mẹ, cậu bé không những không tự ti mà còn tràn đầy lòng yêu thương, thấu hiểu và luôn có đầy sức mạnh để vươn lên phía trước. Cậu bé cũng không vì những nhận xét thiếu thiện cảm từ những người xung quanh mà nghi ngại về bản thân. Điều đó chắc hẳn người mẹ đã mất của cậu bé tự hào vì đã dạy con những điều tuyệt vời nhất.

Những đứa trẻ được sinh ra trên thế giới này vốn không biết “nhìn vào ánh mắt người khác mà hành động” mà hồn nhiên theo cách riêng của trẻ thơ. Tuy nhiên, càng lớn chúng lại càng phụ thuộc vào những phán xét của người xung quanh mà quên mất rằng tiếng nói bản thân mới là quan trọng nhất.

Nuôi dạy con không hẳn là vẽ ra những chiếc khung để con tuân theo mà chỉ nên hướng dẫn con đi theo con đường tính cách riêng mà con có. Tin vào bản thân, con sẽ không ỷ lại trước lời khen ngợi hay buồn bã vì sự chê bai.

Câu chuyện có thể là một lời khuyên hữu ích rằng đừng nuôi dạy con thành 1 ai khác khi cha mẹ cứ so sánh con với bất kì “con nhà người ta” nào khác. Hãy nuôi dạy con thành 1 người độc nhất chứ không phải trở thành 1 người chung hòa lẫn vào định kiến xã hội.


Những Bài Viết Khác